Dù tăng trưởng tín dụng toàn ngành vẫn thấp, nhưng nhiều ngân hàng đang tung ra nhiều chương trình khuyến mãi với khách hàng tiết kiệm, thậm chí lách trần lãi suất huy động để hút tiền về. Vì sao lại tồn tại nghịch lý này đang là câu hỏi được nhiều người đặt ra.
Chừng nào nợ xấu chưa có hướng giải quyết thì chừng đó, lãi suất còn neo ở mức cao
Theo ông Trần Văn Tần, Trưởng phòng Tín dụng, Vụ Tín dụng NHNN, trong 6 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng âm so với cuối năm 2011. Nhờ những động thái tích cực của NHNN và các TCTD, bắt đầu từ quý III, đã ghi nhận sự tăng trưởng của dư nợ tín dụng nhưng chưa ổn định và rõ nét. Tính đến cuối tháng 9, tăng trưởng tín dụng đạt xấp xỉ 2,5%, trong khi tổng số dư tiền gửi tại các ngân hàng đã gần đạt con số 13% so với hồi đầu năm.
Theo ông Tần, tăng trưởng tín dụng thấp xuất phát từ nguyên nhân khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp vẫn thấp, các ngân hàng vẫn thận trọng trong việc giải ngân do e ngại nợ xấu.
Nghịch lý khó cho vay nhưng lại chạy đua huy động của các ngân hàng được TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng nhìn nhận, các ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn nhằm giải quyết bài toán thanh khoản, một vấn đề mang tính cố hữu của hệ thống. Nhiều năm liên tiếp, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng luôn cao hơn tỷ lệ huy động vốn. Những năm trước, tăng trưởng tín dụng luôn ở mức trên 30% (cá biệt năm 2007, con số này là 53%) trong khi vốn huy động chỉ tăng khoảng 25 -27%. Kể cả năm ngoái, khi tín dụng tăng trưởng thấp (khoảng 11%) thì tỷ lệ vốn cho vay/vốn huy động cuối năm ngoái vẫn vào khoảng 103 -105%. Như vậy, chỉ có 1 đồng mà tiêu hơn 1 đồng, nghĩa là vẫn thiếu tiền, kéo theo thanh khoản khó khăn của đầu năm nay, ông Lực giải thích.
“Để giảm căng thẳng thanh khoản, một số NHTM phải huy động vào. Đến ngày 31/8, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ cho vay trên huy động là 91%. Nhưng mức này vẫn ở ngưỡng tiềm ẩn mất an toàn thanh khoản, nên các ngân hàng phải tiếp tục huy động vốn để đưa hệ số cho vay trên huy động về mức an toàn”, TS. Lực nhấn mạnh.
Đồng thời, các ngân hàng cũng muốn cải thiện cơ cấu nguồn vốn huy động do lâu nay ngân hàng huy động vốn ngắn hạn là chủ yếu, trong khi cho vay trung, dài hạn là phần nhiều. Các ngân hàng đang tranh thủ thu hút nguồn vốn trung dài hạn trong bối cảnh lạm phát vẫn còn cao nên buộc phải đẩy lãi suất lên để thu hút vốn. Bên cạnh đó, các ngân hàng phải tính đến bài toán nhu cầu hút tiền mặt, hoặc giải ngân vào những tháng cuối năm do chu kỳ tăng.
“Ngoài ra, một số ngân hàng nhỏ yếu kém chưa được giải quyết, cơ cấu triệt để, vẫn khó khăn thanh khoản nên phải tiếp tục huy động vốn và đẩy lãi suất cao lên. Trong khi đó, từ 1/9, thị trường liên ngân hàng cũng được NHNN kiểm soát chặt chẽ hơn nên không ít ngân hàng không huy động vốn được trên thị trường 2, quay về thị trường 1”, ông Lực nói.
Một lý do nữa trong cuộc đua huy động vốn của các ngân hàng, theo nhận định của lãnh đạo cao cấp phụ trách lĩnh vực tài chính - ngân hàng của một công ty kiểm toán là do bất ổn trên thị trường vàng thế giới gần đây, dẫn đến sự thay đổi cơ cấu trong việc nắm giữ giữa tiền đồng, vàng và ngoại tệ. Đặc biệt, nợ xấu của hệ thống ngân hàng còn quá nhiều vấn đề nan giải.
Theo công bố của NHNN, đến hết tháng 3/2012, nợ xấu của các ngân hàng vào khoảng 202.000 tỷ đồng (tương đương 8,6% tổng dư nợ). Song theo nhiều chuyên gia trong và ngoài nước nhận định, con số nợ xấu thực tế còn cao hơn nhiều và vẫn có xu hướng tăng nhanh do “sức khỏe” của doanh nghiệp đã giảm sút nghiêm trọng.
Nợ xấu tăng cao đe dọa thanh khoản của hệ thống ngân hàng, khi một lượng tiền lớn cho vay ra không quay về, NHTM lại phải tăng trích lập dự phòng rủi ro. Thậm chí, vốn điều lệ hiện nay của nhiều NHTM không đủ để xử lý nợ xấu.
“Thế nên, vốn hoạt động thực sự của ngân hàng là vốn huy động. Khi nhu cầu huy động lớn, chắc chắn lãi suất cao”, vị chuyên gia trên nhận xét.
TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhận định, chừng nào vấn đề nợ xấu chưa có hướng giải quyết rõ ràng, thì lãi suất vẫn neo ở mức cao.
Theo
Hồng Dung
ĐTCK